Tôn Tử nói: Theo phép dùng binh thông thường, để có thể xuất chinh 10 vạn quân thì cần huy động:

  • Một nghìn chiến xa.
  • Một nghìn xe chở quân dụng.
  • Tập kết đủ 10 vạn quân sĩ.
  • Mang theo lương thực đi nghìn dặm đường ngoài biên biên ải.
  • Lại phải tính tới những tổn thất rất lớn về mặt kinh phí cho tiền tuyến, hậu phương.
  • Chi phí tiếp đãi sứ giả các nước, chi phí tu bổ sửa sang - khoản cho chiến xa, khoản cho vũ khí.

Với một đại quân như thế, phương án tác chiến là phải đánh nhanh thắng nhanh; nếu chậm chạp kéo dài sẽ khiến quân sĩ mỏi mệt, nhuệ khí giảm sút, đến khi đánh thành thì trong quân đã sức cùng lực kiệt; mang quân đi đánh dẹp nơi xa lâu ngày thì tài chính quốc gia ắt gặp khó khăn. Nếu quân sĩ mỏi mệt, nhuệ khí giảm sút, sức cùng lực kiệt, tài chính quốc gia lại gặp khó khăn thì những kẻ chư hầu yếu hơn sẽ nhân cơ hội mà dấy binh tiến đánh. Lúc ấy, tuy có người tài trí cao minh cũng chẳng cứu vãn được tình thế. Cho nên, trong việc dụng binh, chỉ nghe nói thấy vụng mà nhanh thắng, chưa từng thấy tướng giỏi mà mong kéo dài chiến tranh. Kéo dài chiến tranh có thể làm lợi cho nước nhà - ấy là việc chưa từng có. Cho nên người không hiểu thấu đáo cái lẽ hại của sự dùng binh thì chưa hiểu thấu đáo cái lợi của sự dùng binh vậy.

Người khéo dùng binh tác chiến thì không gọi lính nhập ngũ lần thứ 2, lương thực cung cấp ra chiến trường không phải vận chuyển quá 3 lần; vũ khí đem từ nước mình ra, lương thực lấy ngay tại nước người, phải vậy mới đủ sức nuôi quân. Quốc gia nghèo đi vì việc động binh, nguyên do chủ yếu là do phải vận chuyển quân nhu đi xa. Vận chuyển quân nhu đi xa thì trăm họ phải nghèo đói; khi đó giá cả những nơi gần điểm đóng quân ắt sẽ tăng vọt, giá cả tăng thì tài sản trong dân phải hao mòn, dẫn đến tài chính quốc gia cạn kiệt. Tài chính quốc gia cạn kiệt ắt lại kíp vào việc hối thúc thuế má, sức cùng lực kiệt, tài chính quốc gia khó khăn thì dẫn đến tình cảnh trong nước nhà trống rỗng. Gia sản dân thường 10 phần tổn hao đến 7 phần, tài sản của nhà nước 10 phần tổn hao 6 phần - đó là vì phải chi trả cho việc phục vụ chiến tranh: xe hỏng, ngựa ốm, áo giáp - cung tên mất mát, dáo - kích - khiên sứt mẻ…

Cho nên, người làm tướng giỏi phải biết lợi dụng nguồn lương thực từ phía địch. Ăn được một phần lương thực của địch bằng ta ăn vào 20 phần lương thực của ta. Khi quân sĩ xông lên giết giặc là do họ được tăng thêm sỹ khí, khi họ dũng cảm đoạt lấy vật tư quân nhu của giặc là do quân pháp có treo thưởng cổ vũ. Như với chiến xa, nếu bắt được 10 cỗ xe trở lên của giặc, người tiên phong được thưởng, xe mang đổi cờ khác, cho xe chạy vào cùng hàng ngũ của quân ta. Đối với tù binh cũng có những khoản đãi, nếu là thiện chiến thì giữ lại dùng. Như thế gọi là thắng được đối phương mà lực ta càng thêm mạnh.

Vì vậy, phép dùng binh đề cao phương án tác chiến đánh nhanh thắng nhanh, không lấy việc trì hoãn dài ngày là thượng sách.

Từ đó có thể thấy rằng, người làm tướng nếu biết dùng binh thì là người nắm giữ sự sống còn của dân, cũng là người làm chủ vận mệnh an nguy của đất nước.