Tôn tử nói: Trong phép dụng binh
- Có thể khiến cho toàn bộ nước địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành nước ấy chỉ là thứ sách.
- Có thề khiến cho toàn bộ quân đội địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành quân đội địch chỉ là thứ sách.
- Có thể khiến cả đơn vị địch đầu hàng là thượng sách, phá vỡ đơn vị đó chỉ là thứ sách.
- Có thể khiến tất cả binh sĩ địch đầu hàng là thượng sách, đánh giết tất cả chỉ là thứ sách.
- Có thể khiến toàn bộ quân ngũ địch đầu hàng là thượng sách, phá vỡ quân ngũ địch chỉ là thứ sách.
Vì thế, trăm trận trăm thắng chưa hẳn là người tướng tài ba nhất; chẳng đánh mà địch chịu hàng mới gọi là mưu trí cao nhất trong mọi nhà cầm quân mưu trí.
Cho nên, để đánh thắng quân địch, tài trí nhất là biết dùng mưu, thấp hơn thì dùng biện pháp ngoại giao, thấp hơn nữa là dùng vũ lực, hạ sách mới phải đánh thành. Biện pháp đánh thành chỉ là vạn bất đắc dĩ mà thôi; chế tạo xe và khiên, sắm sửa vũ trang khí giới chuẩn bị cho việc đánh thành phải cần thời gian 3 tháng mới hoàn tất; lại xây ụ đất, phòng luỹ dùng cho việc đánh thành thì cần thêm ba tháng chuẩn bị nữa. Chuẩn bị kéo dài như vậy, tướng sĩ mỏi mết không nén được nóng giận, đến khi đánh thành thì thúc binh sĩ liều chết leo thang vào thành. Khi ấy, quân sĩ thương vong - 3 phần chỉ còn 1 mà thành vẫn chưa lấy được, đó là cái thiệt hại của sự đánh thành. Vì thế, người khéo dùng binh phải biết cách để không giao tranh đổ máu mà địch phải hàng, không cần bức binh sĩ liều mình đánh thành mà thành vẫn thu phục được, làm sao để khiến nước người hàn phục mà không phải kéo dài chiến tranh. Người cầm quân theo mưu kế “ ăn chắc toàn thắng” đoạt thiên hạ thì quân sĩ không đến mức sức cùng lực kiệt mà thắng lợi thành công viên mãn - đó là phép dùng mưu đánh thắng trong nghiệp nhà binh.
Trong phép nhà binh
- Nếu thực lực ta hơn địch gấp 10 lần thì bao vây địch.
- Nếu thực lực ta hơn địch gấp 5 lần thì tiến đánh địch.
- Nếu thực lực ta hơn địch gấp 2 lần thì phân tán địch.
- Nếu thực lực ta với địch ngang nhau thì phải bày mưu tính kế để thắng được địch.
- Nếu thực lực quân ta ít hơn địch thì phải nghĩ cách thoát khỏi vòng kiềm chế của địch.
- Nếu thực lực quân ta yếu hơn địch thì hãy lánh địch rồi nhân cơ hội mà quyết chiến với địch.
- Khi binh lực đã ít và yếu hơn địch nếu chỉ biết kiên thủ ngồi giữ thì sớm muộn gì cũng thành tù bình của địch mà thôi.
Người làm tướng có thể ví như thanh đòn của một cỗ xe, 2 bên thanh đòn chịu sức nặng của trọng tải xe cũng như người làm tướng gánh vác trách nhiệm đại sự phò trợ nước nhà. Thanh đòn chắc thì xe vững, thanh đòn yếu thì xe siêu vẹo, như việc nước nhà có được nhờ sự giúp đỡ của tướng tá hay không cũng theo ý nghĩa này. Vì thế, người làm vua sẽ gặp khó khăn nếu tình hình trong quân mắc phải 1 trong 3 điều sau:
- Không biết quân không thể tiến mà ép quân tiến, không biết biết không thể lui mà bắt quân lui - như thế gọi là ép buộc binh sĩ.
- Không thông hiểu nội tình quân đội mà can thiệp vào sự điều binh khiển tướng trong quân, khiến cho quân sĩ không khỏi lòng ngờ vực.
- Không thạo mưu kế dùng binh mà xen vào việc hoạch định chiến lược kế sách, khiến cho quân sĩ không khỏi lòng hoài nghi.
Quân sĩ ngờ vực, hoài nghi thì tai hoạ chư hầu kéo đến tập kích cũng đã nhìn thấy trước nguy cơ vậy. Đó là cái điều “ quân sĩ rối loạn từ bên trong” mà “ dẫn đến chỗ tự thất bại”.
Có 5 trường hợp sau đây để xách định “chắc thắng”:
- Nắm bắt được tình hình chiến cuộc có thể đánh hay không thể đánh thì sẽ thắng.
- Biết tuỳ thực lực quân đội nhiều ít để có những chiến thuật khác nhau thì sẽ thắng.
- Tướng sỉ trên dưới đồng tâm hợp nhất thì sẽ thắng.
- Dùng quân đội đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh quân đội đã mỏi mệt hao sức thì sẽ thắng.
- Tướng cầm quân ra trận thì tài năng, mà vua trong nước không áp đặt tướng thì sẽ thắng.
Với 5 điều trên thì có thể biết cách để chiến thắng đồi phương.
Cho nên nói rằng biết mình biết người, trăm trận trăm thắng, nếu biết mình mà chẳng biết người thì thắng một trận thua một trận, còn như chẳng biết mình cũng chẳng biết người thì sự thất bại nắm chắc trong tay.