Tôn tử nói: Từ xưa, người giỏi cầm quân đánh trận điều trước tiên phải biết sáng tạo điều kiện cho mình thắng địch, sau thì chờ thời cơ tiến lên giành thắng lợi sau cùng. Không để địch đánh thắng mình là do mình giành thế chủ động trong trận đánh; mình đánh thắng địch là do địch có chỗ để lộ sơ hở nên ta có thể nhân đó lợi dụng vào. Vì thế, người giỏi cầm quân đánh trận có thể để mình không bị địch đánh thắng, nhưng không thề chắc chắn được rằng mình sẽ đánh thắng địch. Điều đó có nghĩa là sự thắng có thể dự đoán mà không thể khẳng địch tuyệt đối.

  • Khi ta ở vào thế không thể đánh thắng địch thì nên phòng thủ.
  • Khi ta ở vào thế có thể đánh thắng địch thì nên tấn công.

Dùng chiến lược phòng thủ là do binh lực chưa đủ, dùng chiến lược tấn công là lúc binh lực có dư. Người khéo biết phòng thủ thì dấu binh lực của mình ở những chỗ “ thăm thẳm đất sâu”; người khéo biết tấn công thì triển khai quân đội đến tận những nơi “ trời cao mù mịt”, do đó bảo toàn được lực lượng mà dẫn đến toàn thắng.

Nếu khả năng dự đoán thắng lợi không vượt hơn người thường thì không đáng gọi là bậc cao minh hơn tất thảy bậc cao minh. Phải qua đánh đông dẹp bắc mà dành chiến thắng, thiên hạ đều ca ngợi là tài giỏi nhưng vẫn chưa đáng gọi là bậc cao minh hơn tất thảy người cao minh. Điều này cũng tương tự như việc nhìn được sợi lông tơ của chim muôn mới nhú vào thu - không chứng tỏ rằng phải có nhiều sức lực mới làm được việc đó; hay như việc trông thấy mặt trời, mặt trăng không chứng tỏ đôi mắt tinh tường, nghe được tiếng sấm chớp không chứng tỏ đôi tai siêu thính. Đời xưa bảo đối với người giỏi cầm quân đánh trận thì sự thắng lợi giống như đánh mà gặp được đối thủ dễ thắng; vì thế khi dành được thắng lợi thì họ không được tiếng là mưu trí, không được danh là võ công - ấy là sự thắng lợi của họ là điều đã lường định trước, không có gì phải thêm ngờ vực. Sở dĩ họ chắc thắng mà không có gì phải thêm ngờ vực như vậy là vì phương án tác chiến của họ được đặt trên cơ sở “tất thắng”, cơ sở ấy chính là chỗ địch sơ hở dẫn đến thất bại. Người giỏi cầm binh đánh trận luôn biết đặt mình vào chỗ không thể thua và không từng bỏ lỡ cơ hội đánh vào chỗ sơ hở “ chết người” của địch. Cho nên, quân đội thắng trận là bên biết sáng tạo trước những điều kiện có thể, chuẩn bị cho chiến thắng rồi mới khai chiến; quân đội thua trận là bên chỉ nhắm vào khai chiến rồi sau đó trong lúc giao tranh mới mò mẫm hi vọng may được phần thắng. Nhà lãnh đạo quân đội tài ba là người biết xây dựng vững mặt trận chính trị, thiết kế hoàn bị những điều kiện đảm bảo thắng lợi, cho nên ắt dành được quyền quyết định thế cục thắng bại của chiến trường.

Bàn về việc dùng quân đánh trận có 5 nhân tố liên quan đến “lực lượng quân đội” được tổng kết thành 5 chữ là:

  1. Độ - kích thước: Địa vực bên ta và bên địch khác nhau nên kích thước, diện tích đất đai của 2 bên không giống nhau, vì thế dẫn đến dẫn đến số lượng tài sản vật chất, của cải khác nhau.
  2. Lượng - số lượng: Là chỉ số lượng tài sản vật chất, lượng khác nhau thì dẫn đến so sánh tương quan quân số phục vụ trận đánh sẽ chênh lệch nhau.
  3. Số - quân số: Số quân tham gia trận đánh của ta và địch - thực lực quân sự.
  4. Xưng - so sánh nặng nhẹ: Chỉ thực lực quân sự mạnh yếu.
  5. Thắng - kết quả: Căn cứ vào thực lực mà quyết định đến sự thắng bại.

Có thể nói so sánh người chiến thắng với người chiến bại giống như dùng “ cân dật” so sánh với “cân thù”, ngược lại người chiến bại so sánh với người chiến thắng khác nào “cân thù” so với “cân dật” ( 1 dật = 24 thù). So sánh tương quan binh lực ta - địch mà dự liệu được khả năng chắc thắng, bấy giờ chỉ huy quân đội tác chiến; quân đội sẽ tiến công ào ạt mạnh như nước ứ trong khe lâu ngày phun trào lên cao đến mấy nghìn trượng. Điều đó được gọi là phát huy hiệu quả lực lượng quân sự trong tác chiến.