Tôn Tử nói: Địa hình có 6 loại
- Thông - bằng phẳng thông suốt: nơi ta có thể qua lại, địch cũng có thể qua lại, trên địa hình này thì hãy chọn thế đất cao, nơi đón ánh sáng mặt trời mà dễ cho việc cung cấp chi viện lương thực, như thế khi giao chiến sẽ được lợi thế đại hình so với địch.
- Quải - phức tạp khó đi: dễ tiến khó lui, nếu địch không có phòng bị thì đột kích sẽ thắng lợi, nếu địch có phòng bì thì dù đột kích cũng không thắng được, khi đó lại khó rút lui, đó là điều bất lợi.
- Chi - Đối mặt trực tiếp với địch: không có lợi cho ta tiếng công cũng không có lợi cho địch tiến công, dù địch có dụ ta đánh, ta cũng không nên ra đánh, hãy dẫn binh rút lui để nhử địch, khi địch truy đuổi theo ta chừng nửa số quân thì hãy quay lại bất ngờ phản kích, như thế thì được lợi.
- Ải - đường hẹp trong khe núi: nếu ta đến trước chiếm cứ trận địa thì nên dùng quân mạnh trấn giữ lối hẹp vào, chờ địch tới nghênh chiến; nếu địch đến trước chiếm cứ trận địa và dùng quân mạnh trấn giữ lối hẹp dẫn vào thì ta không nên giao chiến, nếu địch không dùng quân mạnh trấn giữ lối hẹp vào thì cứ kíp nhanh thốc tới tấn công.
- Hiểm - núi cao hiểm trở: nếu ta đến trước chiếm giữ trận địa thì nên khống chế ở điểm cao và đón ánh mặt trời để chờ địch đến giao chiến; như là địch đến trước chiếm cứ trận địa thì nên rút quân dời đi, trước sau không nên tiến đánh.
- Viễn - đường xá xa xôi: thế lực hai bên cân sức ngang bằng không nên khiếu chiến, cố đánh sẽ bất lợi cho mình.
6 loại địa hình trên đây đều vận dụng theo nguyên lí địa thế đất mà bàn luận, đó là điều mà người chủ tướng gánh trọng trách to lớn không thể không lưu tâm nghiên cứu kỹ càng.
Trong chiến tranh có 6 tình huống quân thất bại, 6 tình huống này không phải do trời gây vạ cho mà đều là lỗi của người chủ tướng.
- Tẩu - phải tháo chạy: khi thế quân ta và địch ngan nhau nếu cố đánh kẻ địch đông hơn ta gấp 10 lần vì thế thất bại.
- Trì - bị dồn đuổi: nếu binh sĩ dũng mãnh mà tướng soái khiếp nhược vì thế dẫn đến thất bại.
- Hãm - bị kìm hãm: nếu tướng soái dũng mãnh mà binh sĩ khiếp nhược vì thế dẫn đến thất bại.
- Băng - rạn nứt nội bộ: tướng dưới quyền oán trách mà không phục tùng quân lệnh, gặp kẻ địch thì tự ý liều lĩnh xông lên, chủ tướng không biết khả năng đánh thắng kẻ địch của họ như thế nào vì thế thất bại.
- Loạn - rối loạn trong quân: chủ tướng khiếp nhược mà không có uy quyền, huấn luyện binh sĩ không có bài bản, tướng lĩnh dưới quyền không nghe mệnh lệnh, khi bày binh bố trận thì tạp loạn dẫn đến thất bại.
- Bắc - thất bại toàn diện: chủ tướng không biết phán đoán tình hình của địch, lấy yếu chóng chọi với mạnh, khi tác chiến không biết dùng tinh binh làm cốt cán, vì thế thất bại.
6 tình huống dẫn đến thất bại trên đây là điều người chủ tướng gánh trọng trách to lớn không thể không lưu tâm nghiên cứu kỹ càng.
Địa hình là điều kiện phụ giúp cho dùng binh tác chiến, phán đoán chính xác tình hình của địch yếu hay mạnh, nghiên cứu địa hình hiểm trở hay dễ dàng, tính toán đường xá xa hay gần, đó là chức trách của người làm tướng. Nắm vững điểm cơ yếu này và biết vận dụng trong tác chiến thì ắt giành thắng lợi; không nắm vững những điểm cơ yếu này để vận dụng vào chỉ huy tác chiến thì nhất định thất bại.
Cho nên, nếu căn cứ vào tình hình chiến trường thấy rằng có thể chắc thắng thì dù vua có hạ lệnh không được đánh cũng quyết xuất quân tiến đánh. Nếu căn cứ vào tình thình chiến trường thấy rằng không thể dành thắng lợi thì dù vua có hạ lệnh tiến đánh cũng quyết không xuất quân tiến đánh. Vì thế trên chiến trường, tiến quân không vì theo cầu danh lợi, lui quân không vì né tránh chức trách. Tiến quân hay lui quân đều vì mục đích bảo vệ toàn quân toàn dân và những lợi ích căn bản của triều đình. Những người chủ tướng làm được như thế đáng gọi là bảo vật quốc gia.
Chủ tướng đối đãi với binh sĩ nên tha thiết như cha đối với con, như thế quân sĩ sẽ theo chủ tướng xông pha nơi nước lửa. Chủ tướng đối đã với binh sĩ tình cảm gắn bó như vợ đối với chồng, như thế binh sĩ sẽ theo chủ tướng cùng chung hoạn nạn, cùng sinh cùng tử. Tuy nhiên, nếu hậu đãi binh sĩ mà không biết dùng họ, mến chuộng binh sĩ mà không biết ra mệnh lệnh, pháp luật kỷ cương không chắc chắn nghiêm minh, như thế quân sĩ sẽ như đứa con được nuông chiều, không thể đưa vào tác chiến.
Chỉ biết tình hình quân mình có thể tiến đánh, không hiểu quan địch có thể tiến đánh hay không, như thế khả năng thắng lợi mới chỉ được phân nữa. Ngược lại, biết rằng địch sẽ tiến đánh nhưng không biết quân mình có thể tiến đánh hay không, như thế khả năng thắng lợi cũng là phân nửa. Biết rằng quân địch sẽ tiến đánh, lại hiểu quân ta có thể tiến đánh, song đối với tình hình địa hình chiến trận lại không nắm được thế thì khả năng thắng lợi vẫn chỉ là phân nửa. Cho nên người thông hiểu binh pháp luôn luôn biết rõ mục tiêu hành động mà chưa từng mơ hồ, lúc hành động thì biến hoá khôn lường mà không cứng nhắc lập khuôn. Có thể nói rằng biết mình biết người có khả năng giành thắng lợi mà không gặp nguy nan, biết thời cơ địa lợi thì thắng lợi được bảo toàn nghìn vạn lần chắc chắn.