Tôn Tử nói: Chiến tranh là việc lớn của quốc gia, quan hệ đến sự sống còn của quân và dân cũng như sự tồn vong của đất nước. Vì thế, như việc chiến tranh ta không thể không xem xét cho kỹ càng, nghiên cứu cho sâu sát.
Cho nên, khi bàn về việc chiến tranh, ta ắt nên theo 5 phường diện sau so sánh tương quan ta - địch, cốt để đối sánh lực lượng 2 bên từ đó nắm được khả năng thắng thua trong chiến sự. Năm phương diện đó là: Đạo, Trời, Đất, Tướng và quân pháp.
- Đạo: nghĩa là dân chúng và nhà vua phải đồng tâm nhất trí, trên dưới 1 lòng, làm sao để dân chúng khi lâm chiến sự thì hết lòng hết dạ vì nhà vua mà chiến đấu can trường, không sợ hiểm nguy.
- Trời: nghĩa là xem xét đến sự luân chuyển của sáng tối, ngày đêm, sự biến hoá của 4 mùa nóng lạnh.
- Đất: là chỉ địa thế cao thấp, đường xá xa gần, cốt để xem xét sự hiểm trở hay bằng phẳng, rộng hay hẹp thì có lợi cho việc tiến công, phòng thủ.
- Tướng: Nghĩa là chỉ người tướng soái phải tài mưu dũng lược, thưởng phạt phân minh khiến được tín phục, biết vỗ về quân sĩ, lại quyết đoán hành sự.
- Quân pháp: Nghĩa là nói đến tổ chức quân đội, quy chế phân cấp chức trách các tướng lĩnh trong quân ngũ và những quy định về mặt quản lí, cung ứng quân trang, quân dụng.
Năm phương diện kể trên, người làm tướng chẳng ai không từng biết, vấn đề là ai hiểu biết những điều đó một cách chắc chắn, tường tận thì sẽ dành được thắng lợi, ngược lại chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Cho nên có thể dựa vào 7 chước thuật sau để xem xét tương quan ta với đối phương, ai hơn, ai kém, ai thắng, ai thua đều có thể lường tính.
- Trong 2 bên đối địch nhau vua nước nào hiền minh hơn?
- Tướng soái nước nào tài trí hơn?
- Bên nào có ưu thế “ thiên thời địa lợi” hơn?
- Quân pháp bên nào được chấp hành nghiêm chỉnh, triệt để hơn?
- Thực lực quân sự bên nào hùng mạnh hơn?
- Quân sĩ bên nào được huấn luyện, bồi dưỡng tốt hơn?
- Quân pháp thưởng phạt bên nào nghiêm minh hơn?
Dựa vào những điều đó ta có thể đoán định được sự thắng thua.
Theo mưu kế của ta vận dụng vào chỉ huy tác chiến thì ắt thắng lợi, vì thế hãy nên giữ mưu kế đó lại mà dùng. Không theo mưu kế của ta, dùng theo mưu kế khác thì ắt thất bại, thế thì hãy bỏ mưu kế khác đó đi. Khi đã tiếp thu được kế sách hay, người cầm binh lại cần nghĩ cách tạo ra tình thế có lợi, giúp cho việc tác chiến thành công. Cái gọi là thời thế chính là như vậy, thời thế tức là người cầm binh biết dựa vào những điều kiện lợi thế, áp dụng kế sách thích hợp, từ đó hành động dành chiến thắng.
Dụng binh tác chiến là một hành vi nguỵ tạo, giả trá bởi vì:
- Có khi tiến đánh được nhưng phải giả trá là không thể tiến đánh.
- Có khi muốn tấn công nhưng phải giả trá là không muốn tấn công.
- Có khi muốn áp sát đối phương nhưng phải giả trá rằng có ý muốn tránh xa.
- Có khi muốn tránh xa đối phương nhưng phải giả trá là muốn áp sát.
Đối với kẻ địch:
- Những loại ham lợi thì nên dùng lợi lộc mà dụ dỗ.
- Những loại đang hỗn loạn hoang man thì phải thừa cơ mà tiến đánh..
- Với những kẻ có thực lực sung mãn thì phải chú ý đề phòng.
- Những kẻ có sức mạnh quân sự hùng mạnh thì nên tạm thời né tránh.
- Những hạng hay nổi cáu thì hãy tìm cách khích bác.
- Những hạn có thói khinh địch thì khiến chúng thêm kiêu căng.
- Những đám đang an nhàn sau nhiều ngày nghĩ ngơi thì phải khiến chúng thêm mỏi mệt.
- Với những đối thủ có nội bộ đoàn kết thì phải tìm cách li gián chúng.
Gọi là biết mưu lược dụng binh thì phải biết tấn công lúc đối phương không đề phòng, hành động ở chỗ đối phương không ngời tới. Đó là chỗ vi diệu của những nhà cầm quân tài giỏi, tựu chung lại chính là ở chỗ “ khiến đối phương không thể lường tính”
Hễ chưa lâm trận đã có kế sách chắc thắng thì nguyên do là ở sự tính toán kỹ càng, chuẩn bị các điều kiện chiến thắng đầy đủ. Bằng như chưa lâm trận mà dự tính không thể chiến thắng thì tức là tính toán chưa kỹ càng, điều kiện chuẩn bị chiến thắng còn chưa đầy đủ. Tính toán kỹ càng, điều kiện chín mùi thì thắng; tính toán không kỹ càng, điều kiện chưa chín mùi thì bại. Vậy sao không tính toán kỹ càng, chuẩn bị điều kiện đầy đủ? Ta thường lấy những điều kiện trên đem ra xem xét, ai thắng, ai thua đều có thề thấy rõ rành rành.